Trang chủKính mắtTròng kính đeo

Cách chọn tròng tốt nhất cho kính đeo

Người phụ nữ cười đeo kính

Tròng bạn chọn cho kính đeo thường ảnh hưởng đến mức độ bạn hài lòng với mắt kính của mình — thậm chí hơn cả gọng kính.

Và mua tròng kính đeo không phải nhiệm vụ dễ dàng. Trên thực tế, trên một số phát hành gần đây, tạp chí Consumer Reports đã thông tin, "Có quá nhiều lựa chọn đối với tròng kính và lớp phủ, thật dễ để bạn trở lên mơ hồ không biết loại nào đáng mua."

Hướng dẫn mua này sẽ giúp bạn hiểu được sự thổi phồng về các loại tròng kính đeo khác nhau và giúp bạn chọn được tròng kính cũng như lớp phủ mang lại những tính năng tốt nhất và phù hợp với nhu cầu của bạn.

Tại sao chọn đúng tròng kính đeo lại quan trọng đến vậy

Khi mua kính đeo, gọng bạn chọn quan trọng với cả hình thức lẫn sự thoải mái khi bạn đeo kính. Nhưng tròng kính bạn chọn lại ảnh hưởng đến bốn yếu tố: hình thức, sự thoải mái, thị lực và độ an toàn.

Một sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải khi mua kính đeo là không dành đủ thời gian để cân nhắc giữa các lựa chọn về vật liệu của tròng kính, thiết kế cũng như lớp phủ.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản bạn cần biết để mua tròng kính một cách khôn ngoan.

Thông tin dưới đây áp dụng cho tất cả các tròng kính kê đơn cho kính đeo — dù bạn cần tròng kính một tròng để điều chỉnh cận thị, viễn thị, và/hoặc loạn thị, hay bạn cần tròng kính đa tròng, tròng kính hai tròng hoặc các tròng nhiều độ khác để điều chỉnh lão thị.

Vật liệu tròng kính đeo - tính năng và lợi ích

Tròng kính đeo

Vào thời kỳ điều chỉnh thị lực đầu tiên, mọi tròng kính đeo đều được làm bằng thủy tinh.

Mặc dù tròng kính thủy tinh mang lại thị giác tuyệt vời, nhưng chúng nặng và có thể dễ vỡ, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tổn thương nghiêm trọng cho mắt và thậm chí làm mất mắt. Vì những lý do này, tròng kính thủy tinh không còn được sử dụng rộng rãi cho kính đeo nữa.

Tròng kính nhựa

Vào năm 1947, Armorlite Lens Company ở California đã giới thiệu những tròng kính đeo bằng nhựa nhẹ đầu tiên. Các tròng kính được làm từ polymer dẻo có tên CR-39, viết tắt của "Columbia Resin 39," bởi đây là công thức thứ 39 của nhựa xử lý nhiệt do PPG Industries phát triển vào đầu những năm 1940.

Do có trọng lượng nhẹ (khoảng một nửa so với thủy tinh), chi phí thấp và các đặc tính quang học tuyệt vời, nhựa CR-39 vẫn là vật liệu tròng kính phổ biến, thậm chí đến ngày hôm nay.

Tròng kính polycarbonate

Vào đầu những năm 1970, Gentex Corporation đã giới thiệu những tròng kính polycarbonate đầu tiên cho kính an toàn. Những năm sau của thập kỷ đó và vào những năm 1980, tròng kính polycarbonate trở lên phổ biến hơn và duy trì sự phổ biến đó đến ngày hôm nay.

Ban đầu được phát triển để làm mũ bảo vệ cho Không Lực Hoa Kỳ, làm "kính chống đạn" cho các ngân hàng và các ứng dụng an toàn khác, polycarbonate nhẹ hơn và chịu va đập nhiều hơn đáng kể so với nhựa CR-39, giúp nó trở thành vật liệu ưu tiên cho mắt kính của trẻ em, kính an toàn và mắt kính thể thao.

Một vật liệu tròng kính đeo nhẹ mới hơn có đặc tính chịu va đập tương tự polycarbonate có tên là Trivex (PPG Industries), đã được giới thiệu để làm mắt kính vào năm 2001. Một lợi thế về thị giác tiềm năng của Trivex là có chỉ số Abbe cao hơn (xem bên dưới).

Tròng kính nhựa chiết suất cao

Trong 20 năm qua, để đáp ứng nhu cầu về kính đeo mỏng hơn, nhẹ hơn, nhiều nhà sản xuất tròng kính đã giới thiệu tròng kính nhựa chiết suất cao. Loại tròng này mỏng và nhẹ hơn so với tròng kính nhựa CR-39 do chúng có chỉ số khúc xạ cao hơn (xem bên dưới) và cũng có thể có trọng lượng riêng thấp hơn.

Dưới đây là những vật liệu tròng kính mắt phổ biến, được sắp xếp theo thứ tự chỉ số khúc xạ và độ dày tròng kính (chỉ số chi phí khá tốt). Ngoại trừ thủy tinh cron, tất cả đều là vật liệu nhựa.

Chỉ số khúc xạ

Chỉ số khúc xạ của vật liệu tròng kính đeo là một con số thể hiện phép đo tương đối về hiệu quả khúc xạ (bẻ cong) ánh sáng của vật liệu, con số này phụ thuộc vào tốc độ di chuyển của ánh sáng qua vật liệu như thế nào.

Nói một cách cụ thể thì chỉ số khúc xạ của vật liệu tròng kính là tỷ lệ tốc độ ánh sáng trong chân không so với tốc độ ánh sáng trong vật liệu tròng kính.

Ví dụ: chỉ số khúc xạ của nhựa CR-39 là 1,498, nghĩa là ánh sáng di chuyển qua nhựa CR-39 đại khái chậm hơn 50 phần trăm so với qua chân không.

Chỉ số khúc xạ của vật liệu càng cao thì ánh sáng di chuyển qua nó càng chậm, và kết quả là tia sáng bị bẻ cong (khúc xạ) càng lớn hơn. Do đó, chỉ số khúc xạ của vật liệu tròng kính càng cao thì vật liệu tròng kính càng ít phải bẻ cong ánh sáng tới cùng độ như ở tròng kính có chỉ số khúc xạ thấp hơn.

Nói cách khác, với một độ tròng kính đeo cho trước, tròng kính được làm từ vật liệu có chỉ số khúc xạ cao sẽ mỏng hơn so với tròng kính được làm từ vật liệu có chỉ số khúc xạ thấp hơn.

Chỉ số khúc xạ của các vật liệu tròng kính hiện có dao động từ 1,498 (nhựa CR-39) đến 1,74 (một loại nhựa cụ thể có chiết suất cao). Do vậy, với cùng độ và thiết kế tròng kính theo đơn, tròng kính được làm từ nhựa CR-39 sẽ là tròng kính dày nhất, và tròng kính làm từ nhựa có chiết suất cao 1,74 sẽ là tròng kính mỏng nhất.

Chỉ số Abbe

Chỉ số Abbe (hay số Abbe) của một vật liệu tròng kính là thước đo khách quan về độ phân tán của tròng kính đối với các bước sóng khác nhau của ánh sáng khi ánh sáng đi qua nó. Các vật liệu tròng kính có chỉ số Abbe thấp sẽ có độ tán sắc cao, như vậy có thể gây ra quang sai màu dễ thấy — một lỗi quang học là các quầng màu quanh vật thể, đặc biệt là đèn.

Nếu có thì quang sai màu dễ thấy nhất là khi nhìn qua mép của tròng kính mắt. Quang sai màu ít thấy nhất khi nhìn thẳng qua vùng quang học trung tâm của tròng kính.

Chỉ số Abbe của vật liệu tròng kính dao động từ cao là 59 (thủy tinh cron) đến thấp là 30 (polycarbonate). Số Abbe càng thấp thì vật liệu tròng kính càng có nhiều khả năng gây ra quang sai màu hơn.

Số Abbe được đặt theo tên của nhà vật lý người Đức Ernst Abbe (1840-1905), người đã xác định số đo về đặc tính quang học hữu ích này.

XEM THÊM: Cách vệ sinh kính mà không làm xước tròng kính

Thiết kế phi cầu

Ngoài việc chọn vật liệu tròng kính có chỉ số khúc xạ cao, một cách khác để làm cho tròng kính của bạn mỏng hơn, lôi cuốn hơn đó là chọn thiết kế phi cầu.

Thiết kế phi cầu — tức là độ cong của tròng kính thay đổi dần dần từ tâm của tròng kính ra mép tròng kính — giúp cho các nhà sản xuất tròng kính có thể sử dụng độ cong phẳng hơn khi chế tạo tròng kính đeo mà không làm giảm hiệu quả quang học của tròng kính.

Do tròng kính phi cầu phẳng hơn so với thiết kế tròng kính truyền thống (dạng cầu), tròng kính này ít phóng to mắt người đeo hơn, qua đó thức cũng đẹp hơn. Trong một số trường hợp, thiết kế phi cầu còn cải thiện độ rõ cho thị lực ngoại vi của người đeo.

Hầu hết các tròng kính nhựa chiết suất cao đều được làm với thiết kế phi cầu để tối ưu cả hình thức lẫn hiệu quả quang học của tròng kính. Đối với tròng kính làm bằng polycarbonate và CR-39, thiết kế phi cầu thường là tùy chọn làm tăng chi phí của tròng kính.

Độ dày trung tâm tối thiểu (hoặc độ dày mép)

Do có các tiêu chuẩn BS/EN đối với độ chịu va đập nên phòng thí nghiệm về kính chỉ có thể chế tạo tròng kính ở một độ mỏng nhất định.

Ở các tròng kính (lõm) để điều chỉnh cận thị, phần mỏng nhất của tròng kính là quang tâm, nằm ở hoặc gần tâm. Ở các tròng kính (lồi) để điều chỉnh viễn thị, phần mỏng nhất của tròng kính là mép.

Do đặc tính chịu va đập cao nên các tròng kính polycarbonate và Trivex điều chỉnh cận thị có thể được chế tạo với độ dày tâm chỉ 1,0 mm mà vẫn đạt tiêu chuẩn về tính chịu va đập của BS/EN. Các tròng kính điều chỉnh cận thị được làm từ các vật liệu khác thường phải dày hơn ở tâm để đạt được tiêu chuẩn này.

Kích thước và hình dạng của gọng kính cũng ảnh hưởng đến độ dày của tròng kính, đặc biệt nếu bạn có đơn thuốc nặng. Việc chọn một gọng kính nhỏ hơn, được chỉnh tâm tốt có thể làm giảm đáng kể độ dày và trọng lượng của tròng kính, bất kể vật liệu tròng kính bạn chọn là gì.

Nhìn chung, tròng kính mỏng nhất cho đơn thuốc của bạn sẽ là tròng phi cầu được làm từ vật liệu chiết suất cao, gắn với gọng kính nhỏ.

Xử lý tròng kính đeo

Để có kính đeo thoải mái, bền nhất và trông thẩm mỹ nhất, những phương pháp xử lý tròng kính dưới đây phải được coi là thiết yếu:

Lớp phủ chống xước

Tất cả các vật liệu tròng kính nhẹ (xem bảng) đều có bề mặt mềm hơn đáng kể và dễ xước cũng như dễ mòn hơn so với tròng kính bằng thủy tinh. Tròng kính mềm nhất cũng là tròng kính chịu va đập tốt nhất là tròng kính polycarbonate. Nhưng tất cả các tròng kính bằng nhựa cũng như tròng kính bằng nhựa chiết suất cao đều phải có lớp phủ chống xước từ nhà máy để đảm bảo tròng kính có đủ độ bền.

Hầu hết các lớp phủ chống xước hiện đại ngày nay (còn được gọi là lớp phủ cứng) đều có thể làm cho tròng kính của bạn chống xước gần như thủy tinh. Nhưng nếu bạn kỹ tính hoặc bạn đang mua kính cho con bạn, hãy hỏi về tròng kính có bảo hành chống xước trong một khoảng thời gian cụ thể.

Lớp phủ chống lóa

Lớn phủ chống lóa (anti-reflective, AR) giúp cho tròng kính tốt hơn. Lớp phủ AR sẽ khử các phản xạ ở tròng kính mà làm giảm tính tương phản cũng như độ rõ, đặc biệt vào ban đêm. Chúng cũng làm cho tròng kính của bạn gần như vô hình, nên bạn có thể tương tác mắt tốt hơn và bạn cũng như những người khác không bị phân tâm bởi những phản xạ trên tròng kính của bạn. Tròng kính phủ AR cũng ít có khả năng gây ra các điểm chói trong các bức ảnh hơn nhiều.

Lớp phủ chống lóa đặc biệt quan trọng nếu bạn chọn tròng kính chiết suất cao, bởi chỉ số khúc xạ của vật liệu tròng kính càng cao thì tròng kính càng phản xạ nhiều ánh sáng hơn. Trên thực tế, các tròng kính chiết suất cao có thể phản xạ ánh sáng nhiều hơn lên tới 50 phần trăm so với tròng kính CR-39, gây chói hơn đáng kể, trừ khi tròng kính được phủ lớp AR.

Xử lý chặn tia UV

Phơi nhiễm tích tụ với bức xạ cực tím (UV) có hại của mặt trời trong cả cuộc đời của một người có liên quan đến các vấn đề về mắt tuổi già, gồm cả đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.

Vì lý do này, mọi người nên bảo vệ mắt khỏi UV ngay từ thời thơ ấu. Thật may khi các tròng kính polycarbonate và gần như tất cả các tròng kính nhựa chiết suất cao đều được tích hợp bảo vệ chống lại UV 100 phần trăm, nhờ vào các đặc tính hấp thụ của vật liệu tròng kính.

Nhưng nếu bạn chọn tròng kính nhựa CR-39, hãy chú ý rằng loại tròng kính này cần được phủ thêm một lớp để có khả năng bảo vệ chống lại UV tương đương các vật liệu tròng kính khác.

Xử lý đổi màu

Cách xử lý này giúp cho tròng kính tự động tối lại trước tia UV của mặt trời cũng như các tia sáng năng lượng cao nhìn thấy được (high-energy visible, HEV), và sau đó nhanh chóng trong trở lại (hoặc gần như trong) khi vào trong nhà. Tròng kính đổi màu khả dụng với gần như tất cả các thiết kế và vật liệu tròng kính.

Chi phí tròng kính và gọng

Tùy thuộc vào loại tròng kính và biện pháp xử lý tròng kính bạn chọn và thiết kế tròng kính bạn cần, tròng kính đeo của bạn có thể dễ dàng có chi phí cao hơn so với gọng kính bạn chọn — ngay cả khi bạn chọn gọng thiết kế mới nhất.

Số tiền bạn trả cho gặp kính tiếp theo sẽ tùy vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhu cầu về thị giác, mong muốn về thời trang và bạn có bảo hiểm mắt chi trả cho phần chi phí mắt kính không.

Lưu ý rằng nếu bạn chọn gọng thiết kế cao cấp và tròng kính đa tròng chiết suất cao, phi cầu có lớp phủ chống chói cao cấp, sẽ không ngạc nhiên nếu chi phí kính mắt của bạn vượt quá £500.

Để thu được giá trị cao nhất, điều quan trọng là bạn phải hiểu được các tính năng và lợi ích của sản phẩm bạn đang cân nhắc mua và nhờ chuyên gia chăm sóc mắt tư vấn để chọn được kính một cách khôn ngoan.

TÌM CHUYÊN GIA CHĂM SÓC MẮT HOẶC CỬA HÀNG KÍNH MẮT GẦN NƠI BẠN Ở: Bộ định vị của chúng tôi liệt kê các cửa hàng kính và chuyên gia chăm sóc mắt gần đó để bạn có thể đặt hẹn một cách dễ dàng.

Khi mua tròng kính đeo, không gì thay thế được lời khuyên của chuyên gia

Mua tròng kính mắt có thể làm bạn nản chí, nhưng không nhất thiết phải vậy. Chìa khóa ở đây là tìm thông tin về tròng kính chính xác, khách quan từ những nguồn mà bạn tin tưởng.

Để có được sự hài lòng nhất với mắt kính của mình, ngoài hướng dẫn này, bạn cũng nên làm theo lời khuyên mà tạp chí Consumer Reports nhắc đi nhắc lại: Khi khám mắt, hãy hỏi chuyên gia chăm sóc mắt về loại tròng kính và biện pháp xử lý tròng kính nào phù hợp nhất với nhu cầu và đơn kính thuốc cụ thể của bạn.

Find Eye Doctor

Lên lịch kiểm tra

Tìm bác sĩ mắt